Thứ Bảy, Tháng 2 22, 2025
HomeNhân vậtKinh Dương Vương

Kinh Dương Vương

Thông tin cơ bản

Thân thế

Theo Kỷ Hồng Bàng thị Trong Toàn thư, Kinh Dương Vương“tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông  Nhâm Tuất, năm thứ 17. Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương Vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương Vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ”[1]

Vì thế Kinh Dương Vương được các tác giả trong Toàn thư coi là thủy tổ đầu tiên của nước Nam. Ngoài ra trong Toàn thư cũng chép: Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai, năm mươi theo mẹ lên rừng, năm mươi theo cha xuống biển, ông được xem là tổ của Bách Việt. Con trưởng của Lạc Long Quân là Hùng Vương lập ra nhà nước Văn Lang phát triển cực thịch với 18 đời vua. 

Kể từ sau đó, phần lớn các bộ chính sử Việt Nam đều coi Kinh Dương Vương là nhân vật có thật – Thủy tổ của nước Việt. Trong Thiên Nam minh giám (thế kỷ XVII) mở đầu như sau:

      Tượng mảng xưa sách trời đã định,
      Phân cõi bờ xuống thánh sửa sang,
      Nước Nam từ chúa Kinh Dương,
      Tày nhường phải đạo mở mang phải thì.[2]

Kinh Dương Vương là nhân vật hư cấu

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu đương thời, khi so sánh, đối chiếu các chính sử đã đặt ra nghi vấn có phải Kinh Dương Vương là một nhân vật huyền thoại, có nguồn gốc tiểu thuyết Liễu Nghị truyện?

Theo Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu lịch sử và các biểu tượng văn hóa cổ đã có nghi vấn rằng: “trong Toàn thư, sau khi viết về lai lịch, cuộc đời của Kinh Dương Vương, Ngô Sĩ Liên đã viết: “Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình Quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình Quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi”.

Chúng ta còn thấy chuyện này được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp (thế kỷ XIV?), rồi sau đó lại được sao chép nguyên vẹn vào trong thần tích của Mẫu Thoải tại Tuyên Quang. Cần nhắc lại ở đây ghi chép về nguồn Đường kỷ của Ngô Sĩ Liên là một gợi ý hữu ích cho những người nghiên cứu các đời sau. Từ gợi ý đó, một số học giả đã tìm ra cả chục văn bản văn học Trung Quốc chép câu chuyện này. Lần xa hơn nữa, các học giả đều thống nhất cho rằng, truyện Kinh Dương Vương có sự sao chép từ tiểu thuyết Liễu Nghị truyện (柳毅傳) do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường”[3]

Đây sẽ là những manh mối gợi mở cho các nhà nghiên cứu sau này

Đền thờ Kinh Dương Vương

Khu di tích lịch sử văn hóa Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Nằm ở sườn đê, cách dòng sông Đuống khoảng 500 m. Thời giặc Pháp kéo đến, khu Lăng bị tàn phá trơ trụi, đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã quy hoạch và tôn tạo lại Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc Thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống.

Với những giá trị và ý nghĩa lớn lao của khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Ngày 2/2/1993, khu di tích được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Từ xưa đến nay, nơi đây đều mở hội để đồng bào trong và ngoài nước kết tụ tưởng nhớ và tri ân công đức Tổ tiên, thể hiện niềm tự hào dân tộc củng cố đại đoàn kết huyết thống con Lạc, cháu Hồng hướng về nguồn cội, vươn tới tương lai cùng nhau góp sức bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Khu di tích độc đáo nhất, thiêng liêng nhất của Việt Nam.

Chú thích

[1] Toàn thư,tr3,4. 

[2] Trịnh thị. (1624-1657). Thiên Nam minh giám. tr.4a. (Thư viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, ký hiệu HNv.006) trang 1a. Tham khảo phần phiên khảo của Hoàng Thị Ngọ, (1994). NXB Văn học. Hà Nội.

[3] Trần Trọng Dương, Kinh Dương Vươg – Ông là ai, tạp chí tia sáng 6/9/2013.

Tài liệu Tham khảo

1. Toàn thư,tr3,4. 

2.  Trịnh thị. (1624-1657). Thiên Nam minh giám. tr.4a. (Thư viện Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh, ký hiệu HNv.006) trang 1a. Tham khảo phần phiên khảo của Hoàng Thị Ngọ, (1994). NXB Văn học. Hà Nội.

3. Trần Trọng Dương, Kinh Dương Vươg – Ông là ai, tạp chí tia sáng 6/9/2013.

RELATED ARTICLES

Bài viết phổ biến