Thông tin cơ bản
Tên gọi và vị trí địa lý
Đền thờ Trần Hưng Đạo, còn gọi là đền Thổ Khối, nằm tại làng Thổ Khối, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Đền thờ vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc. Ngoài ra, đền còn thờ một số thuộc hạ của ngài, những chiến sĩ trung kiên đã cùng ông lập nên những chiến công vang dội.
Lịch sử và nhân vật
Từ năm (1258 – 1288), đế chế Nguyên –Mông đã ba lần xâm lược nước ta, đến đầu năm 1285, trước thế giặc mạnh của 50 vạn quân tấn công từ hai hướng là từ Trung Quốc đánh xuống và từ Chiêm Thành đánh ra, buộc quân ta phải lui binh để củng cố lực lượng.
Trong cuộc rút lui này, Trần Quốc Tuấn đã mưu trí đưa Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Nhân Tông về Thanh Hóa an toàn. Ông đã chọn làng Thổ Khối làm địa điểm căn cứ chiến lược, thu binh và luyện tập, củng cố quân sĩ chờ thời cơ phản công. Trong ba lần kháng chiến chống Nguyên-Mông, nhà Trần đã hai lần chọn Thổ Khối làm hành dinh chống giặc, nơi tạm trú của triều đình và bộ chỉ huy quân đội nhà Trần. Trong thời gian ở đây, quân đội nhà Trần nhận được sự giúp đỡ từ nhân dân. Họ trở thuyền, gánh gạo, nấu cơm, nướng cá, góp phần tiếp sức cho quân đội, giúp các chiến sĩ vững tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Không lâu sau đó, vào tháng 5 năm 1285 Vua quan cùng quân sĩ nhà Trần kéo quân ra Bắc đập tan 50 vạn quân Mông – Nguyên, lập chiến công vang dội ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết.
Công lao to lớn của Hưng Đạo vương Trần Hưng Đạo đã được Nhân dân đời đời tưởng nhớ tri ân, sau khi ông mất Nhân dân ta lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó có Thanh Hóa, để ghi nhớ sự kiện nhà Trần đánh quân Mông – Nguyên lần thứ 2 (năm 1285) trên đất Thanh Hóa, cuộc chiến tranh cam go nhất trong 3 lần đánh quân Mông – Nguyên.
Trải qua hàng ngàn thế kỷ, ngôi đền đã trở nên xuống cấp, ngôi đền đã được trùng tu nhiều lần ở các giai đoạn sau.
Trong các năm từ 1988 đến 1992, nhân dân địa phương và khách thập phương đã quyên góp trùng tu toàn bộ ngôi đền. Đến năm 1995, đền tiến hành đúc tượng Thánh và đúc một quả chuông lớn bằng đồng. Thánh tượng được lấy nguyên mẫu từ pho tượng Đức Thánh Trần ở đền Thiên Trường (Nam Định). Năm 1997, người dân lại cung tiến pho tượng Đức Thánh Trần được tạc bằng gỗ mít đặt tại cung đệ nhị và 3 pho tượng Thánh Mẫu (tam tòa Thánh Mẫu) được thờ tại ban thờ phía hữu tòa nhà trung đường và một pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát.
Năm 2006, Toà Tiền Đường đã được tôn tạo bề thế, theo mô phỏng kiến trúc truyền thống. Nhân dịp này, nhân dân thập phương cung tiến một pho tượng Đức Thánh Trần bằng gỗ mít và 2 pho tượng Hộ Pháp thờ Tiền Đường. Ngoài ra, người dân cũng đã cung tiến nhiều đồ thờ như: Bát hương đồng; tam sự, ngũ sự bằng đồng, khán tượng; chấp kích, bát báo…
Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn
Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn sinh năm 1231, sinh ra tại Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, nguyên quán ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông là con trai của An Sinh vương Trần Liễu, vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó, trong cả ba lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chỉ huy chống lại quân xâm lược. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên – Mông ra khỏi đất nước.
Sau khi chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông, Trần Hưng Đạo về sống ở Vạn Kiếp, lập phủ đệ và quân doanh tại Kiếp Bạc, tạo thành phòng tuyến chiến lược bảo vệ mặt Đông Bắc Tổ Quốc. Ông còn cho trồng cây thuốc để chữa bệnh cho binh sĩ và nhân dân trong vùng.
Vào ngày 5 tháng 9 năm 1300, ông qua đời, theo di nguyện, thi hài ông được hoả táng và chôn tại vườn An Lạc và không xây lăng mộ. Triều đình phong tặng ông là Thái sư Thượng Phụ quốc công Tiết chế Nhân Võ Hưng Đạo Vương. Nhân dân tôn vinh ông là Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương, lập đền thờ tại Kiếp Bạc và nhiều nơi khác để tưởng nhớ công lao của ông trong cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Quốc Tuấn là con Yên Sinh Vương, lúc mới sinh ra, có một thầy tướng xem cho và bảo: “[Người này] ngày sau có thể giúp nước cứu đời”. “Đến khi lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, đọc rộng các sách, có tài văn võ.”
Sự tài giỏi xuất chúng của Trần Hưng Đạo Đại Vương được nhân dân ca tụng qua câu thơ:
“Hai lần đã phá Nguyên bình
Đức Trần Hưng Đạo uy linh ai bì
Chém Toa Đô, bắt Mã Nhi
Bạch Đằng trận ấy để bia muôn đời”
và
“Nghiêng trời lệch nước cuộc binh đao
Việc nước an nguy hệ một mình
Núi Kiếp bao phen quân Việt thắng
Sông Đằng một trận giặc Nguyên kinh”
Câu thơ không chỉ ca ngợi về tài năng quân sự xuất sắc của Trần Hưng Đạo mà còn tôn vinh lòng yêu nước, lòng trung thành với đất nước của Ngài, người đã đánh bại quân xâm lược Nguyên-Mông và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Kiến trúc cảnh quan
Xưa kia, ngôi đền được làm hoàn toàn bằng gỗ, tuy nhiên trải qua thời gian, đền đã bị xuống cấp. Đến nay, đền đã được tu bổ nhiều lần, có một số hạng mục được thay bằng bê tông giả gỗ nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc truyền thống. có cấu trúc hình chữ Đinh (丁), mặt đền nhìn về hướng Nam, gồm có tòa Tiền Đường và Hậu Cung.
Cổng đền được thiết kế kiểu Nghi môn, gồm bốn trụ biểu, cửa giữa là lối ra vào, hai bên cửa phụ được xây kín bằng bức tường thấp, giữa tường đắp nổi hình ngựa chầu. Sau Nghi môn là khoảng sân, tại đây có một cây cổ thụ lâu đời, bên cạnh là một giếng nước hình tròn, có diện tích lớn, công trình này được khởi công xây dựng lại vào năm 2014. Tiến vào bên trong là bức bình phong bằng đá có trang trí vân mây cách điệu. Ở khoảng sân này có đặt một tấm bia lớn, được dựng trên lưng rùa.
Qua khoảng sân gạch là Tiền Đường, được xây dựng vào năm 2005 bằng chất liệu gạch, vữa và bê tông giả gỗ, gồm ba gian hai chái, đây là nơi đặt các ban thờ công đồng. Ba gian giữa là lối ra vào, hai chái đầu hồi được xây kín và trổ cửa chữ Thọ, hai bên tả, hữu tòa Tiền Đường còn có hai pho tượng: một là tướng quân Phạm Ngũ Lão thờ ở phía tả và một pho tượng Hoàng triều tướng quân Nguyễn Quyên thờ ở phía hữu (do nhân dân cung tiến năm 1998). Đây là hai vị tướng có công lớn trong việc phò Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương đánh thắng quân Mông Nguyên. Ngoài ra, ở bên gian gần đầu hồi còn treo một quả chuông cổ treo trên giá chuông.
Ở giữa hai cột chính tiền đường là câu đối cổ:
Hào khí Đông A Thổ Khối phụng từ thiên cổ tại/
Thị uy tuấn kiệt Bạch Đằng chiến tích vạn niên lưu.
Phía sau Tiền Đường là hai dãy hành lang hai bên, chạy dọc nối Tiền Đường và Hậu Cung, ở giữa là khoảng sân không có mái che. Phía trong là Chính Tẩm (Hậu Cung), nơi thờ Đức Thánh Trần, gian thờ được xây dựng lại vào năm 2016, bên trong đền được trang trí cửa võng chạm kênh bong, sơn thếp vàng, bên trên là tượng Đức Thánh Trần được đúc hoàn toàn bằng đồng, với dáng ngồi trên ngai, trước ban thờ được trưng bày bộ binh khí, tượng trưng cho binh khí mà Đức thánh Trần Hưng Đạo sử dụng trong ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Phía trên cửa võng treo bức hoành phi, hai bên cột treo câu đối bằng chữ Hán. Đặc biệt một gian trong Hậu Cung được xây dựng theo lối gác lầu, phần lầu nhô lên từ mái nhà, tạo điểm nhấn cho công trình.
Nằm ở gần khu vực giếng đền là nhà Mẫu xây dựng vào năm 2014. Đây là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Tôn Ông và Phật bà Quan Âm Bồ Tát. Nhà Mẫu gồm ba gian, cửa ra vào làm hệ thống cửa thượng song hạ bản.
Kiến trúc mái các tòa được trang trí hình rồng, với các góc đầu đao uốn cong. Mái lợp ngói, chủ yếu bằng chất liệu bê tông giả gỗ, nóc mái có lưỡng long chầu nguyệt.
Sự Kiện và lễ hội
Hàng năm, nhân dân làng Thổ Khối cùng chính quyền địa phương tổ chức lễ hội tại đền thờ Trần Hưng Đạo trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng và lễ hội chính vào ngày kỵ của Đức Thánh Trần từ ngày 19 đến 21 tháng 8 Âm lịch.
Tục lệ xin ấn tại Đền thờ Trần Hưng Đạo có từ xa xưa, được tổ chức vào ngày 14 và 15 tháng Giêng. Chính quyền sở tại và thủ từ làm lễ đóng ấn vào giấy bản (sau này là vải). Sau khi làm lễ khai ấn, nhân dân trong làng đến Đền để xin ấn về nhà, mang ý nghĩa cầu xin cho sức khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc cho các thành viên trong gia đình.
Hiện vật
Hiện nay, đền còn lưu giữ 3 chiếc ấn cổ, trong đó có 1 chiếc làm bằng kim loại, 2 chiếc làm bằng gỗ.
Ngoài ra, đền còn giữ được các hiện vật có giá trị như: Long cung – Long ngai, bài vị; sắc phong của các triều đại (bị thất lạc); bia đá ca ngợi công đức, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo thời Tự Đức, còn có nhiều đồ thờ tự khác như bát hương bằng đá, gốm, kiếm, mũ thờ.
Xếp hạng
Đền thờ Trần Hưng Đạo được xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia ngày 12 tháng 1 năm 1996.
Văn khấn Đền thờ Trần Hưng Đạo
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.
Hưởng tử con là…
Ngụ tại…
Hôm nay là ngày … tháng … năm ….
Hương tử con đến Đền thờ Trần Hưng Đạo, thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản…
Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giảm, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Tham khảo
- Di sản văn hoá tỉnh Thanh Hoá, Nxb Thanh Hoá (2019)
- Phan Huy Lê (1697), Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội.
- Trương Hữu Quýnh, Trần Hưng Đạo người anh hùng dân tộc vĩ đại với nhân cách trong sáng, Nghiên cứu lịch sử, số 5.2000.
- Trần Hưng Đạo, Binh Thư yếu lược, Nxb công an nhân dân (2002)