Chủ Nhật, Tháng 2 23, 2025
HomeDi Tích Thắng CảnhĐềnĐền Sòng Sơn – điểm đến linh thiêng nổi tiếng xứ Thanh

Đền Sòng Sơn – điểm đến linh thiêng nổi tiếng xứ Thanh

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Sòng Sơn còn có tên gọi là đền Sùng Trân, thuộc làng Cổ Đam, xã Hà Dương, huyện Hà Trung, phủ Tống Sơn, nay thuộc phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Đền nằm ngay vị trí thuận tiện, di chuyển theo Quốc lộ 1A vào Thanh Hóa, qua Dốc Xây rồi đi tầm 3km nữa là tới đền.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của dân gian Việt Nam gồm Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. 

 Lịch sử và nhân vật

Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh vốn là Tiên chúa Quỳnh Nương, con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì mắc phải sai lầm, Tiên chúa bị đày xuống trần gian và tái sinh vào gia đình họ Lê ở xã An Thái, huyện Thiên Bản, Phủ Nghĩa Hưng (nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), với tên gọi Giáng Tiên.

Sau ba lần trích giáng, nàng được Ngọc Hoàng cho phép hạ giới và không phải trải qua kiếp hóa thân nữa. Sở hữu phép thuật kỳ diệu, nàng đi khắp nơi để ban phước cho những người lương thiện và trừng trị kẻ ác. Đặc biệt, Tiên chúa Liễu Hạnh thường dùng phép thuật của mình để du ngoạn tại vùng núi Sòng Sơn và núi Tam Điệp. Nàng đã giúp đỡ khách bộ hành qua đèo Ba Dội, đồng thời hướng dẫn dân làng cách đào giếng, dệt vải và trồng dâu nuôi tằm.

Vào khoảng niên hiệu Vĩnh Tộ (1619 – 1629), thời vua Lê Thần Tông, một ông lão làng Cổ Đam được Tiên chúa Liễu Hạnh báo mộng xây đền. Sau đó, người dân trong làng đã vận động cùng nhau góp công, góp sức, góp của cải để xây dựng và đặt tên là đền Sòng Sơn.

Trải qua thời gian dài, đền bị xuống cấp, do đó ngôi đền được lần lượt tu bổ vào năm Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông (1740- 1786); năm Duy Tân thứ sáu (1912), năm Khải Định thứ tư (1919), năm Bảo Đại thứ ba (1928) và năm 1939.

Kiến trúc cảnh quan

Đền Sòng Sơn tọa lạc trên một thế đất cao, quay về hướng Tây Bắc, với lối kiến trúc kiểu chữ Tam, gồm ba cung: Cung Đệ Nhất, Cung Đệ Nhị, Cung Đệ Tam và phía ngoài là cổng Tam Quan, Suối Cá Thần.

Bên trong đền là hệ thống các cột cái có kích thước lớn, chân cột là những đá tảng tạo dáng lục lăng và trang trí nhiều hoa văn. Mỗi gian đều được trang trí bằng hệ thống cửa võng, chạm lộng kênh bong, sơn thếp vàng tạo vẻ uy nghi cho công trình.  

Cổng Tam Quan

Từ mặt đường dẫn lên cổng gồm 13 bậc thang, tạo thành một lối đi trải dài lên phía trên. Cổng Tam Quan được xây dựng trên nền đất cao với bốn trụ cột kiên cố, tạo thành ba cửa ra vào, mỗi cửa gồm ba tầng, các tầng trên có diện tích thu nhỏ dần.

Cửa chính giữa có diện tích rộng và cao hơn hai cửa phụ hai bên. Phía trên tầng thứ hai, bên trong có treo một quả chuông đồng. Trên tầng cao nhất của cả ba cửa đều được lợp mái ngói giả bằng xi măng, với các đầu đao uốn cong mềm mại, hình vân mây.

Qua cổng là khoảng sân rộng, được trồng nhiều cây cối tạo bóng mát, ngoài ra còn đặt tượng Bồ Tát với dáng đứng trên đài sen và cả sập thờ để tiến hành hầu đồng.

Cung Đệ Nhất 

Cung đệ Nhất của đền hay còn được gọi là Tiền Đường, là dãy nhà đầu tiên sau cổng Tam Quan, gồm năm gian. Nơi đây thờ các quan, các ông hoàng và các cô đệ tử, đồng thời, còn phối thờ cả Đức Thánh Trần. Gian này có bài trí ở trung tâm là bàn thờ Công Đồng, bên phải thờ bà Chúa Chín, bên trái là bàn thờ Đức Thánh Trần.

Cung Đệ Nhị 

Cung Đệ Nhị nằm tiếp nối Cung Tiền Đường, gồm năm gian, đây là không gian thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (vua cha Thánh Mẫu) và Ngũ Vị Tôn Quan. vị cao nhất được dành cho Ngọc Hoàng, kế đến là các vị Thánh Cô, Thánh Cậu. Không gian cung Đệ Nhị được trang trí với những bộ chấp kính và đôi hạc đồng uy nghi.

Cung Đệ Tam

Cung Đệ Tam (Cung Cấm) là nơi linh thiêng nhất của đền Sòng Sơn, chỉ mở cửa vào những dịp lễ lớn. Cung gồm ba gian, được bài trí theo thức hệ Tứ phủ, Tam tòa thánh Mẫu, trong đó ở gian giữa chính tẩm, phía trên linh tượng Thánh Mẫu, có bức đại tự được sơn son thếp vàng và khắc bốn mỹ tự “Mẫu Nghi Thiên Hạ”. Gian bên phải đặt ban thờ Mẫu Thượng Ngàn, gian bên trái đặt ban thờ Mẫu Thoải.

Trang trí bàn thờ Mẫu có đầy đủ các lọng vàng, lư hương, hoa quả, bánh trái và nhiều đồ lễ mà du khách tới dâng. Không gian chính của đền được trải thảm đỏ, các cột trong điện thờ đều được treo các bức hoành phi câu đối bằng chữ Hán.

Suối Cá Thần

Trong khuôn viên đền Sòng Sơn còn có một dòng suối chảy quanh năm, được gọi là Suối Cá Thần, có mạch nước ngầm chảy từ dốc Xây men theo chân núi qua hang động rồi chảy về đền.

Tương truyền, hàng năm vào dịp tháng Giêng, tháng hai, xuất hiện một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo nhau bơi lội trong hồ, nhưng khi hết lễ hội thì đàn cá tự nhiên không thấy nữa. Nhân dân quanh vùng nói đó là các nàng tiên trên thượng giới hóa phép về hầu Tiên chúa Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Sự kiện và lễ hội

Lễ hội đền Sòng Sơn diễn ra từ ngày mùng 10 đến 26 tháng 2 Âm lịch hằng năm, trong đó ngày 25 được xem là ngày chính kỵ – ngày Thánh Mẫu hạ giới. Đây là dịp lễ quan trọng, thu hút đông đảo du khách và tín đồ thập phương đến dâng lễ, cầu nguyện. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính, cầu mong bình an, may mắn cho gia đình, sức khỏe dồi dào và cuộc sống ấm no.

Trong lễ hội, nhiều nghi lễ đặc sắc được tổ chức, nổi bật là lễ Rước bóng Mẫu cùng các cô Ba, cô Chín và những giá đồng. Bên cạnh phần lễ trang trọng, du khách còn được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật đặc sắc như hát tuồng, hát chèo, trống quân, hát xẩm, ca trù, cùng các trò chơi dân gian như thi đấu vật, kéo co, đánh võ, đánh cờ và chọi gà, tạo nên một không khí lễ hội vui tươi, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống.

Nhắc đến lễ hội đền Sòng, dân gian từ xưa đã truyền nhau câu ca:

“Nhất vui là hội Phủ Dày

Vui thì vui vậy chẳng tày Sòng Sơn”.

Được biết đền Sòng Sơn, cùng với Phủ Dày ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, được vinh danh là một trong những di tích thờ đạo Mẫu trọng yếu nhất của đất nước, góp phần tôn vinh và bảo tồn những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc của dân tộc Việt.

Xếp hạng

Đền Sòng Sơn được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 57/QĐ-BVHTT ngày 18 tháng 01 năm 1993.

Văn khấn Đền Sòng Sơn

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
  • Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.

Hưởng tử con là…

Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng…năm.

Hương tử con đến nơi…….. thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản…

Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giảm, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Tài liệu tham khảo

  1. Di sản văn hoá tỉnh Thanh hoá, Nxb Thanh Hoá (2019)
  2. Kênh TTV- Tin tức Thanh Hoá.
RELATED ARTICLES

Bài viết phổ biến