Chủ Nhật, Tháng 2 23, 2025
HomeDi Tích Thắng CảnhĐềnĐền Hai Bà Trưng (Mê Linh) – Nơi tưởng niệm hai vị...

Đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) – Nơi tưởng niệm hai vị nữ anh hùng dân tộc

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền Hai Bà Trưng là một di tích lịch sử quốc gia, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng 25 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thờ cúng Hai Bà Trưng, hai nữ tướng kiệt xuất của dân tộc, những người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của Nhà Đông Hán.

Hiện nay, không chỉ có một ngôi đền tại Mê Linh, mà còn có những ngôi đền khác ở các địa phương liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của hai nữ anh hùng Hai Bà Trưng. Cụ thể, ngoài đền tại Mê Linh, còn có một ngôi đền ở huyện Phúc Thọ và một ngôi đền nữa nằm tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Mỗi ngôi đền đều mang trong mình những giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc, góp phần lưu giữ và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử và nhân vật

Theo truyền thuyết dân gian và thần tích đền Hát Môn, tại đây, Hai Bà Trưng đã dựng một đàn thể trước khi nổi dậy. Trưng Trắc đã long trọng đọc bốn lời thể, sau này được diễn tả lại bằng lời thơ:

Một xin rửa sạch quốc thù

Hai xin đem lại nghiệp xua họ Hùng

Ba kèo oan ức lòng chồng

Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này!

Sau đó xuất phát từ Mê Linh, nghĩa quân đánh thẳng vào đô ủy tự của giặc (tức cơ quan chỉ huy quân sự giặc) đặt ở Mê Linh.  Hai Bà Trưng kéo quân xuống đánh chiếm thành Cổ Loa, rồi thừa thắng vượt sông Hồng, sông Đuống, tỏa rộng vào các quận, huyện. Hoảng sợ trước khi thế nổi dậy ngút trời của quân và dân ta, bọn quan quân địch không kịp và không dám chống cự, bỏ chạy tháo thân về nước. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thắng lợi hoàn toàn, lật đổ chính quyền đô hộ của đế chế Hán trên một vùng rộng lớn, bao gồm toàn bộ lãnh thổ Nam Việt và Âu Lạc cũ, giải phóng 7 quận, huyện gồm 65 thành. Nhân dân Âu Lạc suy tôn Trưng Trắc làm vua (Trưng Vương) đóng đô ở Mê Linh.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Quý Mão, [Trưng Vương, năm thứ 4], (Hán Kiến Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, [3b] thế cô, đều thua chết. Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì [bọn Đô Dương] đầu hàng, [Viện] bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. (Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu68 châu Khâm. Viện có câu thề: “Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt”. Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy. Mã Tổng nhà Đường lại dựng hai cột đồng ở chỗ cũ của nhà Hán ghi công đức của Mã Viện để tỏ ra mình là dòng dõi của Phục Ba, nay chưa rõ ở chỗ nào. Hai sông Tả Giang, Hữu Giang mỗi nơi có một cột). Viện thấy huyện Tây Vu có 3 vạn 3 nghìn hộ, xin chia làm hai huyện Phong Kê và Vọng Hải, vua Hán nghe theo. Viện lại đắp thành Kiển Giang ở huyện Phong Khê. Thành đắp tròn như hình cái kén, cho nên lấy [chữ Kiển]69 làm tên. Nước Việt ta lại thuộc vào nhà Hán. Ba năm sau, Viện trở về. Người địa phương thương mến Trưng Nữ Vương, làm đền thờ phụng (đền ở xã Hát Giang, huyện Phúc Lộc70 , ở đất cũ thành Phiên Ngung cũng có)”.

Theo truyền thuyết, Đền Hai Bà Trưng được xây dựng trên nền ngôi nhà cũ của Hai Bà. Ban đầu, đền chỉ là một công trình đơn sơ, dựng bằng che nứa. Đến thời Nhà Đinh, đền được xây lại bằng gạch ngói, và dưới triều đại Nhà Lý, đền tiếp tục được tôn tạo. Thời Nhà Nguyễn, đền trải qua một cuộc đại trùng tu với kiến trúc hoành tráng hơn. Mới đây, vào năm 2004, đền lại được trùng tu, nâng cấp với quy mô lớn, tạo nên diện mạo như ngày nay.

Hai Bà Trưng

Hai Bà Trưng là tên chỉ chung hai chị em Trưng Trắc (徵側) và Trưng Nhị (徵貳), là con của Lạc Tướng quê ở huyện Mê Linh, đất Phong Châu, ,một mảnh đất của các vua Hùng.

Hai Bà Trưng là hai nữ anh hùng dân tộc, trong sử sách, hai bà được biết đến như là những thủ lĩnh khởi binh chống lại chính quyền đô hộ của Đông Hán, lập ra một quốc gia với kinh đô tại Mê Linh. Với công lao to lớn Hai Bà được nhân dân tôn kính, nhiều nơi lập đền thờ ca ngợi công đức.

Kiến trúc cảnh quan

Đền Hai Bà Trưng là một công trình kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên khu đất rộng lớn, thoáng đãng với tổng diện tích lên đến 129.824 m², nhìn ra dòng sông Hồng. Trước mặt đền là hồ bán nguyệt, bao quanh đền là cây cối xanh tươi, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi và thành cổ Mê Linh, tạo thành một quần thể di tích với nhiều hạng mục giá trị lịch sử và văn hóa.

Hiện Đền gồm các hạng mục chính: Nghi Môn Ngoại, Nghi Môn Nội, Tam tòa chính điện thờ Hai Bà Trưng, Đền thờ Thân Phụ – Thân Mẫu Hai Bà và Sư phụ, Sư mẫu của Hai Bà, Đền thờ Thân Phụ, Thân Mẫu ông Thi Sách và Ông Thi Sách, Đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, Đền thờ các nam tướng triều Hai Bà Trưng, Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh. Ngoài ra còn các công trình phụ là nhà khách, gác trống, gác chuông, nhà tả – hữu mạc. Đây được coi là di tích đặc biệt hiếm thấy vì luu giữ các công trình thờ đầy đủ cội nguồn liên quan đến Hai Bà, một truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tự hào của dân tộc:

“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”

Nghi Môn Ngoại

Để tiến vào khu di tích sẽ phải đi qua một cổng lớn, được xây 2 tầng, tầng dưới tạo 3 cửa vòm cuốn, tầng trên xây kiểu chồng diêm, với 2 tầng 8 mái. Bờ nóc đắp hình đôi rồng chầu mặt trời, phần cổ diêm trang trí hình hoa 4 cánh, các góc đao đắp hình lá hỏa, góc cột đắp hình hoa cúc dây, thân cột hình hoa lá.

Nghi Môn Ngoại đền được xây kiểu tứ trụ, cấu trúc lồng đèn với hệ thống tứ trụ phân cách thành một cổng chính và hai cổng phụ. Hai trụ ở giữa tạo thành lối vào đền chính, với chiều cao khoảng 4m, các ô lồng đèn được trang trí tứ linh (Long, Lân, Ly, Quy, Phượng). Đỉnh trụ trang trí tứ phượng theo kiểu trái giành. 

Hai Cột trụ ở hai bên nối vào tạo thành hai cổng phụ, cổng phụ có chiều cao thấp hơn, nhưng được xây kiểu hai tầng mái, lối vào xây mái cổng uốn vòm, mái được lợp mái giả bằng xi măng, trên đỉnh hai cột trụ gắn tượng lân chầu. Tổng thể Nghi Môn Ngoại là kiến trúc để thô, quét xi măng, không sơn màu.

Nghi Môn Nội

Qua cổng Nghi Môn Ngoại la khoảng sân dài rộng, có lát gạch, ở giữa sân đặt một Hòn đá thề lưu giữ lời thề của Hai vị Vua Bà, lời thể được khắc lại trên bề mặt đá.

Cách một đoạn là tới Cổng Nghi Môn Nội, với lối kiến trúc Ngũ Môn, ở giữa là Tam Quan, ở hai bên Tam Quan la hai cổng phụ.

Tam Quan Đền Hai Bà Trưng, nằm đối xứng với Nghi Môn Ngoại, có cấu trúc gồm ba gian, với bộ vì kèo mái được xây dựng theo kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền”. Ba cửa gian của Tam Quan được thiết kế kiểu bức bàn, mái lợp ngói mũi hài, mỗi mái có hình dáng uốn cong như đầu rồng. Bờ nóc và bờ dải được trang trí bằng hoa chanh, còn hai đầu hồi được chạm khắc hình rồng uy nghi. Phần đầu guột trang trí hai con nghê bằng sứ, chầu vào nhau, tạo nên vẻ đẹp hài hòa và trang trọng. Tam Quan thường được đóng cửa và chỉ mở vào các dịp lễ trọng.

Nối liền với Tam Quan là hai cổng phụ ở hai bên, đây là lối ra vào chính của đền. Kiến trúc cổng phụ xây kiểu hai tầng bốn mái, bên cạnh cổng đều được xây hai cột trụ kiểu lồng đèn.

Đền thờ Hai Bà Trưng

Qua Tam Quan là khoảng sân rộng và một hồ nước lớn, hồ nước nằm ngay trước mặt đền.

Đền thờ Hai Bà Trưng (Tam Toà Chính Điện), gồm 2 dãy nhà nằm nối liền với nhau là: Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung (Đền Chính).

Dãy nhà phía trước là tòa Tiền Tế, theo truyền thuyết xưa kia nơi đây là nơi các tướng lĩnh bàn bạc công việc, còn ngày nay là nơi các du khách tới làm lễ dâng hương.

 Nhà gồm 5 gian hai chái, xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, phía trước hiên là đôi voi đá, quỳ chầu vào nhau, tượng trưng cho Bà Trưng, Bà Triệu. Với lối kiến trúc đơn giản, bờ nóc trang trí kiểu bờ đinh, hai đầu bờ nóc chạm khắc hình con đấu, phần đầu bờ dải được đắp hình phượng vũ, tạo nên vẻ uyển chuyển và trang nghiêm.

Bên trong nhà Tiền Tế hiện nay, có đặt hai cỗ kiệu long đình bát cống, có niên đại từ thế kỷ XVII, là những di vật cổ chỉ sử dụng trong lễ hội rước kiệu Hai Bà Trưng. Các gian thờ được thiết kế với cửa võng chạm lộng, trang trí các họa tiết rồng và dây lá. Ngoài ra, không gian trong đền còn được trang trí bằng các hoành phi, câu đối, cửa võng sơn thếp vàng lộng lẫy, cùng đôi chim hạc và bộ bát bửu đặt trước gian thờ.

Cạnh hai bên đầu đốc là hai cổng nhỏ được thiết kế mái kiểu “chồng diêm” uốn cong, với hai bức “cánh phong” nối liền. Phía trước cổng là cột trụ biểu có đỉnh hình trái giành, các ô lồng đèn được chạm khắc tứ linh, thể hiện sự hòa hợp giữa nghệ thuật và tín ngưỡng dân gian. Hai cổng này là lối dẫn ra các khu kiến trúc đằng sau.

Đền Chính

Ngăn cách toà Tiền Tế và Đền Chính là một khoảng sân rộng khoảng 1m, có đặt lư hương đá, đền chính có kiến trúc hình chữ Đinh, gồm 5 gian phía trước và Hậu cung là một nếp nhà ba gian, một dĩ, được xây dọc. Đây là khu vực thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh dưới thời Hai Bà Trưng.

Tại phía toà Trung Tế, hai bên đặt tượng 6 vị nữ tướng có công lớn và gắn bó với Hai Bà, mỗi bên là 3 tượng. Bên trong Hậu Cung, tại gian giữa, có đặt hai tượng Bà Trưng và Bà Triệu, mỗi tượng ngồi trên ngai, thõng hai chân xuống đất, một tay đặt úp trên đùi, tay kia ngửa lên, đầu đội mũ. Các gian thờ đều được trang trí bằng cửa võng và treo các hoành phi ghi chữ Hán.

Bộ khung đỡ mái hậu cung gồm bốn bộ vì mang kết cấu “thượng giá chiêng hạ chồng rường, và “thượng giá chiêng hạ cốn”. Các hàng cột có đường kính 35cm, trên cốn nách chạm hình chữ Thọ, hoa lá. lợp mái mũi hài, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp hình hoa chanh, chính giữa đắp lưỡng long chầu nhật.

Đền thờ Thân Phụ – Mẫu và Sư phụ – Mẫu Hai Bà Trưng

Đền thờ thân phụ, thân mẫu Hai Bà tọa lạc về phía bên phải đền thờ Hai Bà Trưng. Đền quay hướng Tây Nam, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Đinh, gồm tiền tế và hậu cung.

Nhà gồm 5 gian, xây kiểu đầu hồi bít đốc, phía hai bên đầu đốc có hai trụ biểu dạng lồng đèn. Bên trong được trang trí các bức hoành phi, câu đối, cửa võng sơn thếp vàng, tạo không gian tâm linh cho ngôi đền.

Gian chính giữa trong Hậu Cung là hai tượng thờ thân phụ, thân mẫu của Hai Bà, cha là ông Trưng Định (Hùng Định) là một hiền sĩ, văn võ toàn tài, được cử làm quan lạc tướng đất Mê Linh và mẹ là Trần Thị Đoan, là cháu chắt bên ngoại Vua Hùng. Hai tượng được ngồi cạnh nhau trên ngai, vẻ mặt hiền hậu và uy nghiêm.

Bên trái gian Hậu cung vừa là nơi thờ hai người thầy, có công dạy dỗ Hai Bà, là cụ Đỗ Năng Tế và bà Tạ Thị Cẩn Nương. Bên phải là nơi thờ Công đồng Tứ phủ là nơi làm lễ, sinh hoạt văn hoá, phục vụ cho tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Đền thờ Thân Phụ –  Mẫu ông Thi Sách và Ông Thi Sách

Đền là một dãy nhà 5 gian, có kiến trúc hình chữ Đinh, quay về hướng Tây Nam, gồm hai phần chính: Tiền Tế và Hậu Cung, nơi thờ cha mẹ chồng và chồng của Bà Trưng Trắc, tọa lạc phía bên trái đền thờ Hai Bà Trưng.

Gian chính giữa là gian thờ Thân Phụ-Mẫu của ông Thi Sách, với hai tượng được tạc ngồi trên ngai, theo truyền thuyết là hai cụ là hai vị Lạc Tướng Chu Diên. Gian bên cạnh là gian thờ ông Thi Sách.

Hiện nay bên trong đền còn giữ được các bức hoành phi, câu đối:

外 接 麋 城 傳 勝 地

堂 居 鳶 郡 正 名 

Phiên âm:

Ngoại tiếp Mê thành truyển thắng địa;

Đường cư Diên quận chính danh hương.

Dịch nghĩa:

Ngoài tiêp thành mê nơi thắng địa

Nhà cư quận Chu Diên chính tên làng

梵 宇 擎 天 標 屹 柱

林 園 特 地 起 層 樓

Phiên âm

Phạm vũ kình thiên tiêu ngật trụ;

Lâm viên đặc địa khởi tằng lâu.

Dịch nghĩa:

Mái đền ngút trời cao chót vót;

Vườn Lâm đắc địa dụng tầng lầu.

功 德 留 傳 千 古 念

石 碑 記 鑿 億 千 香

Phiên âm:

Công đức lưu truyền thiên cổ niệm,

thạch bị ký tạc ức thiên hương.

Dịch nghia:

Công đức lưu truyền muôn thủa nhớ;

Bia đá tạc ghi mãi mãi thơm.

鄧 派 出 舟 今 往 事

鳶 城 赴 任  萊 庄

Phiên âm:

Đặng phái xuất Chu, kim văng sự;

Diên thành phố nhậm, Cổ Lai Trắng.

Dịch nghĩa:

Họ Đặng xuất ra ở Chu Diên nay còn thấy,

Thành Chu Diên giao phó nhậm trị Cổ Lai Trang

雄 威 貉 將

Phiên âm:                                                                                Hùng uy lạc tướng.

Dịch nghĩa:                                                                             Tưởng Lọc oai hùng

追 念 前 恩

Phiên âm:                                                                            Truy niệm tiền ân

 Dịch nghĩa:                                                                         Tưởng nhớ nghĩa trước

Đền thờ các nữ tướng thời Hai Bà Trưng

Đền có mặt bằng dạng chữ Nhất, gồm ba gian hai chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, 3 gian giữa là nơi ra vào, còn hai bên gian đầu hồi là được xây kín, có trổ cửa sổ chữ Thọ. Đây là nơi thờ 90 vị nữ tướng đã tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, được khởi công xây dựng và hoàn thiện vào năm 2006- 2007.

Bên trong đền không tạc tượng mà thay vào đó là thờ các bài vị và bia lưu danh của 90 nữ tướng, còn một vị nữ tướng là Đức Bà Chu tước Đại Tướng Quân, có công xây dựng và trấn giữ kinh thành Mê Linh xưa, bài vị của bà hiện đang được đặt thờ ở Đền Chừng thuộc khu di tích Đền Hai Bà Trưng.

Đền thờ các vị nam tướng thời Hai Bà Trưng

Đền gồm 5 gian hai chái, quay hướng Đông Bắc, có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Nhất, xây kiểu tường hồi bít đốc, với 6 bộ vì được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng, trung kẻ truyền, hạ bẩy hiên, hậu gối tường”. 

Đây là đền thờ 149 vị tướng nam đã tham gia vào cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đền thờ các vị nam tướng cũng được thờ các bài vị và bia lưu danh giống với Đền thờ các vị nữ tướng.

Nhà Tả/ Hữu mạc

Là nếp nhà 7 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hệ vì đỡ mái được kết cấu theo dạng “thượng giá chiêng chồng rường, trung kẻ, hạ bẩy”. Phía trước hiên dãy nhà bên phải đền bài trí 8 con voi, ngựa, sư tử, bên trong trưng bày một số di vật khai quật tại thành cổ Mê Linh.

Thành cổ Mê Linh

Hiện nay tại Đền Hai Bà Trưng vẫn còn dấu vết thành cổ xưa, bờ thành rất dài, được dân gian gọi là “con rắn uốn mình”. Khoảng cách giữa thành và quách là đường “thông cù”, là đường đi dạng đường hầm, do vậy mà thành có tên là “thành Ống”.

Tương truyền, xưa kia trong thành có cung điện của Trưng Vương, năm 1972 thành cổ đã được khai quật khảo cổ và thu được nhiều hiện vật có giá trị.

Nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh

 Nhà bia được xây kiểu bốn mái, các góc mái uốn cong, chính giữa gắn tấm bia lưu niệm có nội dung: ‘‘Nơi đây có cây lụa già thân rỗng là hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam những năm 1943 – 1945, đồng chí Trường Chinh đã lấy đền thờ Hai Bà Trưng là một trong những nơi hội họp bí mật để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền Thủ đô Hà Nội ngày 19/8/1945’’.

Đây là minh chứng cho việc tổng bí thư Trường Chinh đã chọn đền Hai Bà Trưng làm căn cứ cách mạng.

Sự kiện và lễ hội

Hiện nay, có nhiều nơi lập đền thờ Hai Bà Trưng, nhưng ba địa điểm chính tổ chức hội lớn là Đồng Nhân, Hạ Lôi và Hát Môn. Lễ hội đền Hai Bà Trưng diễn ra từ ngày 4 đến 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Vào sáng ngày 4, dân làng rước kiệu Hai Bà Trưng từ đền đến đình làng Hạ Lôi, với ý nghĩa là rước Hai Bà về thăm quê hương. Ngày 6 tháng Giêng là ngày hội chính, dân làng lại rước kiệu Hai Bà từ đình Hạ Lôi về đền, tượng trưng cho việc đưa Hai Bà trở lại Kinh Đô.

Hiện vật

Hiện đền còn lưu giữ được 23 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến phong sắc cho Hai Bà Trưng và dân làng Hạ Lôi.

Đền Hai Bà Trưng còn là nơi lưu giữ nhiều di vật quý như: gỗ, đá, đồng, sứ, giấy,… Trong đó di vật gỗ chiếm đa số. Các di vật có niên đại tập trung vào triều Nguyễn như hoành phi,  hương án, đại tự, câu đối, khám, kiệu, tượng thờ…

Trong đó có di vật được coi là quý giá nhất là đầu gậy (Quyền trượng) có niên đại thời Đông Sơn, thế kỷ I-III TCN, được dân gian coi là biểu tượng quyền lực của triều đại Trưng Dương Vương.

Xếp hạng

Ngày 09/12/2013, theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Di tích lịch sử Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Văn khấn Đền Hai Bà Trưng

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
  • Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.

Hưởng tử con là…

Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng…năm.

Hương tử con đến nơi…….. thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản…

Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giảm, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Tài liệu tham khảo

  1. Toan Ánh, Nếp cũ Hội Hè Đình Đám Quyển Thượng, Nxb Trẻ.
  2. Đinh Gia Khánh (2008), Địa chí văn hóa dân gian Thăng Long- Đông Đô Hà Nội, Nxb Hà Nội.
  3. Vũ Ngọc Khánh, Đền Miếu Việt Nam_trang đơn, Nxb Thanh Niên.
  4. Phan Huy Lê – Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội.
  5. Nguyễn Quang Ngọc, Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng sau 1970 năm nhìn lại, Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 3.2010.
  6. Lưu Minh Trị (2004), Một số di tích tiêu biểu ở Việt Nam, Tập II, Nxb Hà Nội.
  7. Giang Quân, Phan Tất Liêm (2004), Dấu tích kinh thành, Nxb Hà Nội.
RELATED ARTICLES

Bài viết phổ biến