Chủ Nhật, Tháng 2 23, 2025
HomeDi Tích Thắng CảnhĐềnĐền Phù Đổng - Độc đáo kiến trúc ngàn năm tuổi (Đền...

Đền Phù Đổng – Độc đáo kiến trúc ngàn năm tuổi (Đền Thượng – Gia Lâm, Hà Nội)

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Nằm bên tả ngạn sông Đuống, khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (còn gọi là đền Thượng) tọa lạc tại làng Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội – vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, có bề dày lịch sử và truyền thống văn lâu đời. Nơi đây gắn với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, là nơi chôn rau cắt rốn của ng­ười anh hùng Thánh Gióng. 

Lịch sử và nhân vật

Thánh Gióng còn được tôn vinh là Phù Đổng Thiên Vương, là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh) trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. 

Truyền thuyết kể rằng, vào đời vua Hùng Vương thứ 6, tại Kẻ Đổng (còn gọi là làng Gióng Mốt, tên cũ của làng Đồng Xuyên sau này) thuộc bộ Vũ Ninh xưa (sau là đất huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh; từ năm 1961 mới sáp nhập vào huyện Gia Lâm) có một người đàn bà làm nghề trồng rau, “sống trinh khiết một mình không lấy chồng”. 

Sau một đêm mưa gió, sáng sớm bà ra vườn cà ven sông, thấy một vết chân lớn chưa từng có. Bà đưa chân mình ướm thử. Nhìn thấy vườn cà bị giẫm nát, nhưng cà vẫn còn tươi, bèn hái về ăn. Sau đó, bà thấy trong mình chuyển động rồi có thai. Gần đến ngày sinh, dân làng biết được, liền đuổi bà ra khỏi làng. Cùng đường, bà phải về ở cữ tại trại Nòn (xóm Ban hiện nay). 

Vào ngày mùng bảy tháng giêng lịch trăng, bà sinh ra được một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Nhưng đã ba năm mà chẳng biết nói cười, hàng ngày chỉ nằm trên thúng treo trên gióng tre, do vậy mọi người gọi cậu là Gióng.

Bà vô cùng buồn phiền lo lắng. Khi đó, ngoài ngõ vang lên tiếng sứ giả rao mõ báo tin nước có giặc ngoại xâm và nhà vua đang cầu hiền tài ra giúp nước. Chợt cậu bé Gióng bật ra tiếng nói, mới cất tiếng nói đầu tiên. Đó là tiếng nói xin đi đánh giặc cứu nước. Gióng yêu cầu nhà vua rèn ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt cho. Sau “Bảy nong cơm, ba nong cà. Uống một hơi nước cạn đà khúc sông”, Gióng vươn vai cao lớn khác thường, mặc giáp sắt, cầm roi sắt, lên ngựa sắt. 

Gióng phi ngựa đến chỗ vua đang đóng quân nhận lệnh rồi hướng phía giặc Ân làm tướng tiên phong, quân sĩ ào ào theo sau. Thấy vậy, dân làng trên đường đội quân Gióng đi qua cũng chạy theo, từ trẻ chăn trâu, người đánh cá đến người đập đất, người chài lưới ven sông… Hai tướng Dực và Minh của đất Hà Lỗ cũng đưa quân theo Gióng. Xung giữa trận tiền, giặc Ân bị đánh tơi bời, đứa thì bị giết, đứa sụp lạy quy hàng. Đang hăng chiến đấu, roi sắt của Gióng bị gãy, chàng liền quờ tay nhổ những khóm tre làng đầy gai mọc gần đấy quật vào quân giặc. Giặc chết như ngả rạ. Hàng loạt dãy tre làng được Gióng dùng vào đánh giặc. Chỗ rặng tre bị nhổ gần núi Trâu Sơn sau biến thành một dải đầm lớn gọi là đầm Thất Gian. Và những mảnh tre bị gãy ném rải rác khắp chiến trường, từ vùng Quế Dương cho đến Đông Ngàn sau này mọc thành loại tre đặc biệt có màu vàng óng ánh nên gọi là tre đằng ngà.

Đánh xong trên ở Trâu Sơn và Hà Lỗ, Gióng cho ngựa phi đến bến Bồ Đề và dừng lại uống nước sông Hồng. Vết chân của ngựa còn để lại hình lồi lõm ở một phiến đá lớn tại làng Phú Viên. Tiếp đó, Gióng lại phi ngựa vượt sông, đi ngược lên Hồ Tây, rồi buộc ngựa vào gốc đa bên bờ, nhảy xuống hồ tắm. Nơi này về sau được dân làng Xuân Tảo lập đền thờ cúng. Ăn cơm nắm xong, ngựa đưa Gióng dạo khắp vùng Đông Anh, Kim Anh, Hiệp Hòa.

Mỗi nơi ngựa Gióng đi qua đã để lại những cụm ao chuôm mang hình vết chân ngựa. Khi qua Phù Lỗ, đến chân núi Phù Mã, Thánh Gióng bèn cởi áo giáp sắt mắc vào cành đa, thúc ngựa lên đỉnh núi Vệ Linh (Sóc Sơn) bái vọng Mẹ, để lại nón sắt, roi sắt, nhìn non sông, đồng ruộng quanh vùng và hướng về Kẻ Đổng lần cuối, rồi một mình một ngựa bay thẳng lên trời. Hôm đó là ngày mồng chín tháng tư lịch trăng.

Sau khi thắng trận, để nhớ ơn người anh hùng, vua Hùng sai lập đền thờ Gióng ở làng quê, phong Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương, phong mẹ Gióng là Thánh Mẫu Bảo Vương, cho làng có xóm Ban nơi Gióng sinh ra được đặt tên là làng Phù Đổng. Tương truyền, năm 1010, khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã cho xây dựng đền Phù Đổng. 

Hùng Vương nhớ công ơn đó mới tôn là Phù Đổng Thiên Vương, lập miếu thờ ở nhà cũ trong làng, lại ban cho một trăm khoảnh ruộng, sớm hôm hương lửa. Sau Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương, lập miếu ở làng Phù Đổng bên cạnh chùa Kiến Sơn, lại tạc tượng ở núi Vệ Linh xuân thu hai mùa tế lễ.(1)

Sau đó, đền được tu bổ thêm:

Sau khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Công Uẩn đã sắc phong cho người anh hùng làng Gióng là Xung Thiên Đổng Thiên Vương Thánh Vị và cho tu bổ thêm nơi thờ tự này với tên gọi là điện Hiển Linh, đồng thời sắc lệnh cho chức sắc cùng dân chúng trong vùng hàng năm tổ chức hội trận Thánh Gióng để tưởng nhớ và ghi nhận công ơn ngài, cấp cho dân 8 giáp 100 mẫu ruộng để lấy hoa lợi cầu cúng quanh năm.(2)

Kiến trúc cảnh quan

Quần thể di tích Đền Thượng hiện tọa lạc trên khu đất rộng hơn hai mẫu, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống. Đền gồm các hạng mục: thủy đình, cổng ngũ môn (năm cửa), phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, nhà giám, nhà ba gian, nhà khách, nhà hiệu.

Từ trên đê nhìn xuống là Ao Rối, nơi đã nhiều trăm năm tổ chức văn nghệ múa rối nước cho dân làng xem vào ngày hội. 

Nhà Thủy đình có kết cấu hình vuông, diện tích mặt bằng 42,25m2, dùng làm nhà múa rối nước, sân vuông dùng làm sân khấu để diễn tuồng, ẩn dưới bóng đa cổ thụ, tán lá xum xuê, vốn được dựng theo kiểu “chồng diêm”, tám mái xải rộng, lợp ngói mũi hài, đầu đao cong vút từ thời Lê Cảnh Hưng (1705) với nhiều bức chạm tinh vi trên gỗ, mà đề tài là những cảnh sinh hoạt dân gian: người chăn dê, người thổi ống xì đồng… Thuỷ đình mang nhiều yếu tố dịch học mà trên đó những mảng chạm nói nên những ước vọng của dân chúng. Cụ thể là người xưa quan niệm: “Phi trí bất hưng, phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi nông bất ổn” thì các cụ đã lấy trí làm đầu. Mà trên đó có hai mảng chạm, một mảng chạm đề rất rõ là:

Quân tử trúc tổ tâm phùng mỹ lộc
Trượng phu tùng ngưỡng diện xạ phượng hoàng.

Qua sân gạch đến Nghi môn được xây bằng gạch cao 3,1m; rộng 2m, gồm năm cửa, mới được tạo dựng chấn song, khuôn bản vào cuối thế kỉ XVIII, chính giữa phía trên án ngữ bức đại tự Thiên Thượng Thần. Hai bên là đôi rồng đá chạm khắc thô nháp nhưng bề thế, khỏe khoắn, cùng đôi sư tử đá (bên dưới có dòng chữ khắc cho biết niên đại tạo tác vào năm ất Dậu, niên hiệu Vĩnh Thịnh, tức năm 1705 dưới triều Vua Lê Dụ Tông). Tại cổng Đền có đôi câu đối viết:

Thiết mã khóa vân cung, tuấn nhạc, linh quang thiên cổ ngưỡng
Thạch long kiều thủy các, sùng từ uy vọng ức niên khâm.

Dịch nghĩa:

Ngựa sắt vượt cung mây, núi cao rạng rỡ ánh thiêng, ngàn năm nhìn ngắm
Rồng đá chầu gác nước, đền lớn nguy nga vẻ đẹp, muôn thuở tôn sùng

Sau cổng chính là tòa Phương đình, kiểu chồng diêm tám mái, cách điệu theo dáng một bông sen, mái trên bờ nóc trổ thủng hoa chanh, vút lên bằng hai đầu kìm hình sừng, đầu đao uốn cong tạo ra thế nhẹ nhàng cho hai tầng mái lợp ngói mũi hài thời Hậu Lê. Bên trái là nhà thiêu hương, cấu tạo giống thủy đình, nhưng nhỏ hơn, lợp ngói ta, kích thước 20x30cm.

Liền nhà Thiêu hương là hai nhà tiền tế khá rộng. Nhà ngoài do Điền Quận công Nguyễn Huy (1610 – 1675), người làng Phù Dực, xã Phù Đổng đứng ra xây dựng. Nhà trong do Trạng Nguyên Đặng Công Chất, người chính làng Phù Đổng, đứng ra hưng công. Phía chính Đông là hai ngôi nhà ba gian do chính cung của chúa Trịnh Sâm là Đặng Thị Huệ (thế kỷ XVIII) quê chính tại Phù Đổng cung tiến. Phía trong là hậu cung nằm trên thế đất cao hơn, bao gồm 3 tòa nhà cấu trúc hình chữ công, tống số 12 gian có tượng Thánh Gióng cao 3m, hai bên có sáu tượng quan văn, quan võ, hai phỗng quỳ và bốn viên hầu cận “tứ trấn”.

Đền còn lưu được cả thảy 21 đạo sắc phong (trong đó đời Lê có 12 đạo, đời Tây Sơn có 3 đạo, đời Nguyễn có 6 đạo). Sắc có niên đại sớm nhất là sắc Đức Long năm thứ 5 (1634).

Trong Đền, còn nhiều hiện vật có giá trị như: chiếc ngai thờ từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII) chạm trổ tinh vi; đôi chim mang nghệ thuật Trung Hoa do Đặng Thị Huệ cung tiến, bình hương, nghê đồng, hai thanh kiếm, câu đối do anh em thi hào Nguyên Du cung tiến năm 1818… Tại Đền còn có một bia đá rất đẹp dựng năm 1660, cũng là một hiện vật hiếm thấy tại các ngối đến khác ở nước ta.

Phía sau đến có một giếng nước trong, gọi là giếng Ngọc.

Từ cổng vào, bên phải của khu đền chính còn các nhà việc, dành cho những người đến dự lễ hội, chia ra các ban tế của các xã xung quanh.

Bên trái của đền là chùa Kiến Sơ.

Sự kiện và lễ hội 

Lễ hội chính của đền là hội Gióng. Lễ hội diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 Âm lịch hàng năm (ngày hội chính là ngày 9/4). Hội Gióng được tổ chức quy mô hơn (5 năm một lần, vào các năm kết thúc là 0 hoặc 5) được gọi là hội chính, các năm còn lại được gọi là hội lệ.

Mùng bảy hội Khám
Mùng tám hội Dâu
Mùng chín đâu đâu cũng về hội Gióng

Xếp hạng

Lễ hội cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (Khu di tích lịch sử đền Phù Đổng, Khu di tích lịch sử đền Gióng) được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.

Văn khấn Đền Phù Đổng

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
  • Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.

Hưởng tử con là…

Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng…năm.

Hương tử con đến nơi…….. thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản…

Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giảm, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Chú thích

[1] Văn Quảng, Văn hóa tâm linh Thăng Long – Hà Nội, Nxb Lao Động, 2009, tr 50. 

[2] UBND huyện Gia Lâm, Di tích Lịch sử Văn hóa – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, 2010, tr 47. 

Tham khảo

  1. UBND huyện Gia Lâm (2010), Di tích Lịch sử Văn hóa – Cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. 
  2. Văn Quảng (2009), Văn hóa tâm linh Thăng Long – Hà Nội, Nxb Lao Động. 
  3. Nguyễn Khắc Đoài, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội), Website Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – Cục di sản Văn hoá.
RELATED ARTICLES

Bài viết phổ biến