Thông tin cơ bản
Tên gọi và vị trí địa lý
Đền Đuổm toạ lạc dưới chân núi Đuổm, thuộc xóm Đuổm, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, ở gần kề sông Cầu ở thượng lưu. Cách thành phố Thái Nguyên khoảng 25 km về phía Tây Bắc.
Núi Đuổm tên chữ là Điểm Sơn, là một địa điểm gắn liền với tên tuổi vị anh hùng Dương Tự Minh, một danh tướng và là phò mã dưới triều Lý.





Lịch sử và nhân vật
Theo truyền thuyết, đền Đuổm được dựng từ năm 1180, vào đời vua Lý Cao Tông, đền nằm dựa vào vách núi Đuổm, đây là đền chính thờ thánh Đuổm Dương Tự Minh. Trải qua thời gian, ngôi đền đã xuống cấp và đã được trùng tu ở các giai đoạn về sau.
Dương Tự Minh, là người dân tộc Tày, sinh ra tại Quán Triều, phủ Phú Lương vào thời nhà Lý, đến nay chưa có sử sách nào ghi rõ năm sinh, năm mất của Dương Tự Minh, chỉ biết ông sống vào thế kỷ XII. Ông là người thông minh, tài giỏi và đức hạnh, được vua Lý Nhân Tông tin tưởng giao phó nhiệm vụ quan trọng làm thủ lĩnh phủ Phú Lương, có công lớn trong việc trấn giữ biên cương, đánh giặc Tống xâm lấn, bảo vệ vùng đất phía Bắc đất nước. Ngoài công việc quân sự, ông còn đóng góp lớn vào việc khai thác nguồn kim loại quý, phát triển kinh tế đất nước.
Năm 1127, vua Lý Nhân Tông gả công chúa Diên Bình cho Dương Tự Minh, và năm 1144, dưới triều vua Lý Anh Tông, ông lại kết duyên với công chúa Thiều Dung. hai công chúa nhà Lý. Về đời sống nhân dân, ngài có công quy tụ nhân dân các dân tộc để phát triển vùng đất an cư, lập nghiệp, từ đó nhân dân đều biết ơn công lao to lớn của ông.
Sau khi đã cao tuổi, ông rời vị trí thủ lĩnh, trở về sống những năm cuối đời tại núi Đuổm. Sau khi qua đời, ông được triều đình phong tặng danh hiệu “Uy viễn đôn Tình Cao sơn quảng độ chi thần” và các triều đại sau phong ông là “Cao sơn Quý minh”. Thần phả đền Đuổm có nhắc tới Dương Tự Minh được gọi là đức thánh Cao Sơn thượng đẳng thần.
Nhân dân từ Cao Bằng, Bắc Kạn đến Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh đã lập nhiều đền thờ ông, trog đó đền Đuổm là ngôi đền lớn và linh thiêng nhất, nơi gắn liền với những chứng minh lịch sử và huyền thoại về Dương Tự Minh.
Dân gian lưu truyền phương ngôn để nhắc đến việc tôn thờ thánh Tam Giang ở các làng ven sông Cầu.
“Thượng Đu Đuổm, hạ chí Lục Đầu giang”
Kiến trúc cảnh quan
Ngôi đền nằm bên bệ quốc lộ 3, phía trước đền là một không gian rộng lớn với cánh đồng, đồi cọ, đồi chè và con sông Cầu uốn quanh. Đền có quy mô rộng lớn, được coi là một quần thể kiến trúc đẹp, uy nghiêm, là danh thắng hàng đầu của vùng đất trung du Thái Nguyên.
Hiện nay đền Đuổm gồm các hạng mục: Tam Quan, lầu chuông, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, được bố trí dựa vào sườn núi theo thứ tự từ thấp lên cao. Phía trước cổng đền là một hồ nước hình bán nguyệt, ở giữa là ngôi thủy đình, tựa như bông hoa sen đang nở giữa hồ nước.
Nằm bên cạnh một tảng đá lớn là cổng chính dẫn vào đền, với kiến trúc Tam Quan gồm 3 cửa, lối cửa chính giữa gồm hai tầng, trên tường có ghi chữ Hán Việt “Đền Đuổm”. Hai bên cửa phụ có gồm 1 tầng và có diện tích nhỏ hơn, ở hai bên cửa phụ có hai trụ biểu dạng lồng đèn, trên đỉnh trụ là hai con nghê đứng quay mặt vào nhau.
Qua Tam Quan là ba dãy bậc thang dẫn ra ba hướng khác nhau, mỗi dãy gồm nhiều bậc dẫn lên cao. Ở dãy bậc thang chính giữa có xây lầu chuông, cấu trúc hình vuông gồm hai tầng mái, bên trái gác chuông có bia đá, trên có ghi thân thế và sự nghiệp của phò mã Dương Tự Minh. Tiếp đó là dãy bậc thang cao dần tiến lên sân, được gọi là sân rồng, đây là khu vực trung tâm của đền, là nơi dân làng tập trung vào ngày hội, lễ của đền để thực hiện các nghi thức tế lễ.
Đền Hạ là nơi thờ hai phu nhân của Dương Tự Minh là công chúa Diên Bình và công chúa Thiều Dung.
Đền Trung là nơi thờ đức thánh Dương Tự Minh, Ngôi đền có kiến trúc hình chữ Đinh, Tiền Đường gồm ba gian và một gian Hậu Cung đằng sau. Tại ba gian phía trước, gian ở giữa là ban thờ công đồng các quan, phía bên phải theo hướng nhìn từ ngoài vào, là ban thờ quan võ, bên trái ban thờ quan văn, quan văn võ là những người giúp việc cho ngài.
Trong Hậu Cung của đền Đuổm còn gìn giữ được một số di vật có giá trị, thuộc nhiều loại hình và niên đại khác nhau như thần phả, sắc phong, bài vị, bát hương cổ làm từ thời Lý, chuông, tượng… Đặc biệt có treo hai câu đối:
“Dân đắc Phú Lương mông thánh trạch”.
“Sơn khai Động Đạt hộ thần quang”.
Nghĩa:
“Thánh trạch Phú Lương dân thấm khắp”.
“Thần quang Động Đạt núi bền lâu”.
Đền Thượng nằm ở sát vách đá, là nơi thờ thân mẫu của đức thánh Dương Tự Minh, đây là vị trí trên mỏm đá cao nhất của đền Đuổm.
Sự Kiện và lễ hội
Lễ hội đền Đuổm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh Thái Nguyên, được diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, tục truyền là ngày sinh của Dương Tự Minh, nhằm tưởng nhớ công ơn của Thánh Đuổm Dương Tự Minh, với mong muốn một năm mọi sự tốt lành, mùa màng tốt tươi, mọi người khoẻ mạnh.
Sáng ngày mùng 5, nhân dân thực hiện nghi lễ rước đất, rước nước về đền, đây là nghi lễ cầu xin mẹ đất, mẹ nước phù hộ đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, để phục vụ cho đời sống nhân dân.
Trong ngày hội có lễ rước cỗ vào đền, lễ rước cỗ chay gồm 6 thứ bánh (bánh bìa, bánh vôi, chè lam, bánh khảo, bánh rán, bánh bòng) và cỗ mặn, dâng hương,… Tại lễ hội còn diễn ra nhiều trò chơi dân gian dân tộc như tung còn, đấu vật, đấu cờ, hát ví lượn giao duyên, hát nhà trò, múa kỳ lân,…
Ngoài ngày chính hội, tại đền Đuổm còn có nhiều ngày lễ như “Ngày đình” tháng hai và “Ngày đình” tháng Chín, ngày 23 tháng Chạp.
Lễ hội đền Đuổm cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2017.
Xếp hạng
Năm 1993, đền Đuổm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du dịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng cấp Quốc gia.
Văn khấn Đền Đuổm
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
- Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.
Hưởng tử con là…
Ngụ tại…
Hôm nay là ngày… tháng…năm.
Hương tử con đến nơi…….. thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản…
Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giảm, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.
Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Tham khảo
- Vũ Ngọc Khánh (2007), Đền miếu Việt Nam, Nxb Thanh Niên.
- Lưu Minh Trị (2004), Danh thắng, di tích và lễ hội truyền thống Việt Nam (tập II), Nxb Hà Nội.
- Nguyễn Vinh Phúc, Nguyễn Duy Hinh (2009), Các Thành Hoàng&Tín Ngưỡng Thăng Long-Hà Nội, Nxb Lao Động.
Chấm điểm