Chủ Nhật, Tháng 2 23, 2025
HomeDi Tích Thắng CảnhĐềnĐền An Sinh – ngôi đền thờ vua nhà Trần linh thiêng...

Đền An Sinh – ngôi đền thờ vua nhà Trần linh thiêng hơn 600 tuổi

Thông tin cơ bản

Tên gọi và vị trí địa lý

Đền An Sinh từng có tên là điện An Sinh, là một trong những di tích quan trọng thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Đền toạ lạc tại xã An Sinh, thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Nếu đi từ Hà Nội, khi đến Quảng Ninh, từ quốc lộ 18A đến trung tâm phường Đông Triều, rẽ trái khoảng 5km là vào tới đền.

Lịch sử và nhân vật

Theo sách Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ: Đền An Sinh được xây dựng vào thời Trần, thờ 5 vị hoàng đế nhà Trần… Đến thời Nguyễn, điện được xây dựng lại theo bố cục hình chữ “Tam”, thờ 8 vị hoàng đế nhà Trần.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư“Tân Dậu, năm thứ 5 (1381)… tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, Thái Đường, Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn Yên Sinh để tránh [nạn] người Chiêm Thành vào cướp”[1]. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Chính biên, quyển X cũng chép: “Rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, ở Thái Đường, ở Long Hưng và ở Kiến Xương đưa về An Sinh, cốt để tránh nạn người Chiêm sang xâm lấn quấy nhiễu.”[2] Đây chính là sự kiện đánh dấu cho việc xây dựng một số công trình thờ tự tại An Sinh, trong đó có đền An Sinh.

Thông qua việc khai quật tại di tích lăng Tư Phúc và nghiên cứu các tư liệu lịch sử văn hoá liên quan, Th.S Nguyễn Văn Anh[3] – Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: “Tư Phúc chính là lăng lớn mà nhà Trần xây dựng năm 1381 tại An Sinh để làm nơi thờ thần vị của các vua được chuyển về từ Long Hưng. Điều này cũng đồng nghĩa phủ nhận quan điểm cho rằng, điện An Sinh được xây dựng vào năm 1381 để làm nơi thờ thần vị các vua chuyển về từ Long Hưng.”[4] Tuy vậy, chỉ có thể phủ nhận việc xây đền An Sinh để làm nơi thờ thần vị của các vua chuyển về từ Long Hưng chứ không thể phủ nhận việc đền được dựng vào năm 1381 hoặc một thời rất ngắn sau đó.

Về lịch sử đền An Sinh, nhóm nhà khảo cổ học từng khai quật tại đây cho rằng: “Các tư liệu thời Lê trung hưng cho thấy, đền An Sinh chỉ thờ các vua từ Trần Anh Tông trở đi, trong đó thiếu vua Trần Hiến Tông và vua Trần Duệ Tông, nhưng lại có một vị mà tên hiệu không phải là tên hiệu của các vị vua Trần. Trước đây, chúng tôi cũng cho rằng, điện An Sinh được xây dựng làm nơi thờ thần vị các vua được chuyển từ Long Hưng – Tức Mặc về An Sinh vào năm 1381. Tuy nhiên, các tư liệu ghi chép về việc thờ phụng tại đền An Sinh và đặc biệt là kết quả nghiên cứu mới đây tại lăng Tư Phúc đã cho thấy giả thuyết đó không phù hợp bởi nhà Trần đã xây dựng Tư Phúc là quần thể kiến trúc lăng tẩm lớn làm nơi thờ thần vị của vua Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông khi chuyển về từ Long Hưng – Tức Mặc. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại quần thể lăng tẩm nhà Trần tại An Sinh đến nay cho thấy, Tư Phúc là lăng duy nhất được xây dựng lại vào thời Lê trung hưng và tiếp tục duy trì việc thờ phụng tại lăng, các lăng khác hầu như được bảo vệ nguyên trạng thời Trần, kể cả khi các lăng tẩm này đã bị sập đổ thì mặt bằng cũng được giữ nguyên và việc thờ phụng được duy trì. Tư liệu thần tích, thần sắc của các làng An Sinh, Trại Lốc cho thấy, việc thờ phụng ở Tư Phúc được duy trì đến đầu thế kỷ XX với những quy định tương đối chặt chẽ dưới sự giám sát trực tiếp của nhà nước. Như vậy, điện An Sinh được xây dựng không nhằm làm nơi thờ phụng thần tượng các vua được dời từ Long Hưng – Tức Mặc về An Sinh. Đồng thời các tư liệu này cũng cho phép suy đoán việc thờ phụng các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Khâm Minh Thánh vũ Hiển đạo An Sinh hoàng đế tại đền An Sinh có lẽ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XVII-XVIII khi các kiến trúc tại đền Thái và các lăng tẩm cơ bản đã bị sập đổ.

Trong số các vị được thờ tại điện An Sinh dưới thời Lê trung hưng, có một vị có miếu hiệu là Hiển đạo An sinh vương hoàng đế. Vậy Hiển đạo An sinh vương hoàng đế là ai? Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Năm Giáp Ngọ (1234)… lấy Thái Úy là Liễu làm phụ chính, sắc phong là Hiển Hoàng”; “Năm Bính Thân (1236)… mùa Hạ, tháng 6 nước to, vỡ vào cung Lê Thiên. Bấy giờ Hiển Hoàng là Liễu làm tri Thánh Từ cung, nhân nước to đi thuyền vào chầu, thấy người phi cũ của triều Lý, hiếp dâm ở cung Lệ Thiên, đình thần hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung ấy là cung Thưởng Xuân, giáng Hiển Hoàng làm Hoài Vương.”

Thần tích, thần sắc tại các làng Đạm Thủy, Triều Khê, Trảng Bản, Đặng Xá xác nhận rằng, Khâm Minh Thánh vũ Hiển đạo An Sinh vương hoàng đế chính là Trần Liễu.

Như đã biết, năm 1237, sau “biến loạn sông cái” vua Trần Thái Tông đem đất 5 xã (Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng và Yên Bang) cấp cho Trần Liễu làm đất thang mộc. Vùng đất thang mộc của Trần Liễu được gọi chung là Yên Sinh (An Sinh), vì vậy Trần Liễu cũng được phong là An Sinh vương. Khi về cai quản vùng đất An Sinh, An Sinh vương đã cho xây dựng phủ đệ, đền miếu. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại đền Thái đã chứng minh, đền Thái chính là Tổ miếu do An Sinh vương xây dựng tại Đông Triều, sau đó nhà Trần tiếp tục sử dụng như Thái Miếu chung của nhà Trần tại Đông Triều.

Từ những tư liệu và phân tích nêu trên, chúng tôi ngờ rằng điện An Sinh thời Trần chính là phủ đệ của An Sinh vương, sau khi ông mất, nó được nhà Trần thu hồi và sử dụng là nơi nghỉ ngơi khi vua Trần mỗi khi về An Sinh, tức là điện An Sinh giống như một hành cung tại An Sinh. Ít nhất đến thời Lê, khi các đền miếu, lăng tẩm các vua Trần ở Đông Triều bị xuống cấp hoặc bị phá hủy, nhà Lê đã cho xây dựng điện An Sinh, trùng tu chùa Ngọa Vân và lăng Tư Phúc là nơi thờ các vua Trần, trong đó Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông được thờ ở lăng Tư Phúc; vua Trần Nhân Tông được thờ ở am Ngọa Vân và các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Dụ Tông và Trần Nghệ Tông được thờ tại nơi trước đây là điện An Sinh. An Sinh vương Trần Liễu với tư cách là chủ của vùng đất An Sinh, là dòng trưởng của nhà Trần. Vì vậy, ông cũng được thờ tại điện An Sinh ngang hàng với các vua nhà Trần khác với miếu hiệu là Hiển đạo An Sinh vương hoàng đế. Việc thờ tự 5 vị nêu trên tại đền An Sinh từ thời Lê trung hưng được duy trì đến nửa đầu thế kỷ XX. Trong khoảng thời gian 1958 – 1975, khu vực điện An Sinh trở thành Trường học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và thường được gọi với tên Trường học sinh miền Nam Đông Triều. Từ năm 1997-2000 đền được tôn tạo và xây dựng lại trên khu vực nền điện cũ và đặt tượng thờ phụng 8 vị vua: 1) Trần Thái Tông, 2) Trần Thánh Tông, 3) Trần Anh Tông, 4) Trần Minh Tông, 5) Trần Hiến Tông, 6) Trần Dụ Tông, 7) Trần Nghệ Tông và 8) Giản Định Đế (Trần Ngỗi) ở Hậu cung, Trần Hưng Đạo ở Trung Đường.”[5]

Theo văn bia và lệnh chỉ tại đền An Sinh thì tên điện An Sinh được nhắc đến sớm nhất trong bia ký là năm Chính Hoà 11 (1690), bia có tên Trần triều bi ký, bia này được khắc lại vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) nội dung ghi lại ngự vị các vua Trần an táng tại An Sinh; bia Trùng tu tự bi ký năm thứ 7 (1711) có nhắc đến việc phân công người của chúa Trịnh để trông nom điện An Sinh.

Kiến trúc cảnh quan

Theo Trần triều Thánh tổ các xứ địa đồ, năm Bảo Đại thứ 17 (1944) thì điện An Sinh kết cấu theo kiến trúc hình chữ “Tam” gồm ba toà với ba cấp nền khác nhau. Toà trong cùng nền dài 3 trượng (9,9m); rộng 2 trượng 2 (7,2m); toà giữa nền dài 2 trượng (6,6m) và toà ngoài cùng có nền dài 3 trượng 5 (11,55m); rộng 2 trượng (6,6m); xung quanh điện có hai lớp tường đất bao, hai lớp tường cách nhau 2 trượng (6,6m); tường đất phía ngoài giáp lăng Tư Phúc ở phía Đông Bắc có chiều dài 15 trượng (49,5m).

Trải qua thời gian, đền An Sinh chỉ còn lại phế tích. Giai đoạn năm 1997 – 2000, Đền được khởi công xây dựng lại trên mặt bằng của nền cũ. Đền mới có kiến trúc hình chữ “Công” với Chính Điện, Tả Vu, Hữu Vu, Nhà Bia, sân vườn và một số công trình phụ trợ khác.

Tiền Đường được dựng với kiến trúc 3 gian 2 chái – chính giữa là ban thờ Tứ phủ công đồng triều Trần; hai bên là ban thờ Sơn Thần và Thổ Địa. Tất cả hoành phi câu đối, cùng những đồ thờ cúng trong đền An Sinh đều do nhân dân trong vùng, cũng như du khách thập phương cung tiến. Nổi bật nhất là bức hoành phi với 4 chữ được dát vàng trên nền gấm và được khảm trai: Đông A Hiển Thánh. Hai chữ “Đông” và chữ “A” ghép lại thành chữ Trần. Ý nghĩa là: Các vị vua Nhà Trần được suy tôn như những bậc Thánh. Hai bên là đôi câu đối đầy khí phách, vang vọng hào khí Đông A:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Dịch thơ:

Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vững âu vàng

Trung Đường với lối kiến trúc 1 gian 2 chái. Trên cùng là 2 ngai thờ của An Sinh vương Trần Liễu và vợ của ngài là Thiện Đạo Quốc Mẫu phu nhân. Đây là vương phụ và vương mẫu của Đức Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn. Chính giữa trên cùng là bức đại tự: “Vương hoàng tác ứng” (Hoàng đế, vương hầu cùng làm nên sự nghiệp nhà Trần).

Hai bên là đôi vế đối:

Thử địa vi Thánh Phụ sở cư thiên cố truyền thanh ấp xứ;
Kim thiên tế tiền nhân chi kiếp vạn niên do lại lộc Hương An.

Dịch nghĩa:

Đất này nơi Thánh Phụ ở năm xưa ngàn thuở vẫn còn nên thang ấp ấy;
Ngày nay nối tiền nhân từng dựng đặt muôn năm nhờ cậy lộc Hương An.

Thấp hơn về phía trước là nơi thờ Đức Thánh Trần – được nhân dân ta suy tôn là bậc Thánh – người đã có công rất lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới triều đại nhà Trần – 1288, trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Trên ban thờ với Bức tượng tạc đức Thánh do Tổng Công ty Than Khoáng Sản Việt Nam cung tiến, được chế tác bằng đá Sa Thạch. Chính giữa toà nhà là bức đại tự với 4 chữ “Vạn thế phất huyên” (muôn đời không quên những công lao, ơn đức của đức Thánh Trần được nhân dân ghi nhớ muôn đời)

Hai bên là đôi câu đối:

Trần Triều bảo giang sơn vinh quang nhân dân hoà xã tắc;
Thái Thượng sùng Phật đạo giải thoát chúng sinh cảnh trầm luân. 

Dịch nghĩa:

Triều Trần bảo vệ núi sông đem lại vinh quang cho nhân dân và đất nước;
Thái Thượng Hoàng sùng đạo Phật giải thoát chúng sinh khỏi cảnh khổ đau.

Hậu Cung có kiến trúc 5 gian 2 chái là nơi thờ 8 vị vua Trần. Tại đây đặt khám, ngai và tượng thờ 8 vị vua Trần được sắp xếp theo quy tắc tả chiêu hữu bật (tả chiêu hữu mục) lấy giữa làm chuẩn, đối xứng từ trái qua phải và ngai thờ của vua đầu triều Trần Thái Tông được đặt cao hơn các ngai khác.

Khu vực bên trong và xung quanh đền được trồng rất nhiều loại cây lâu năm, cây vạn tuế, cây hoa sữa và nhiều loại cây khác. Đến đền, du khách không chỉ được tham quan kiến trúc của đền mà còn được cảm nhận sự yên bình, tĩnh lặng và thư thái của tâm hồn.

Hiện vật

Năm 2017, Uỷ ban nhân dân thị xã Đông Triều (nay là Thành phố) phối hợp với Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh và trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội ) tổ chức lễ động thổ khai quật khảo cổ đền An Sinh.

Đợt khai quật này diễn ra trong khoảng 6 tháng với diện tích khai quật lên đến gần 900m2. Theo kết quả khai quật, tại điện An Sinh đã phát hiện dấu vết của tổng cộng 25 công trình kiến trúc khác nhau, các loại hình di vật gồm vật liệu kiến trúc, đồ gốm men,… có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn. Trong đó, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một tổ hợp công trình kiến trúc từ thời Trần gồm sân vườn, hành lang, tường bao kết nối thành một quần thể kiến trúc lớn. Bên cạnh các dấu vết về kiến trúc, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều loại hình di vật. Tượng phượng được tìm thấy cũng là di vật đầu tiên bằng kim loại được các nhà khảo cổ phát hiện. Trong đó, chậu gốm hoa nâu đã bị vỡ thành nhiều mảnh lớn, nhỏ khác nhau và khi lắp ghép các mảnh này lại thì các nhà khảo cổ thấy đây là chậu hoa có kích thước lớn.

Trong khuôn viên đền hiện còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị và vật trang trí kiến trúc bằng đất nung có khung niên đại khoảng thế kỷ XIV – XVIII, như: bia đá, mảnh tháp, gạch, ngói, linh thú,…

Lễ hội

Lễ hội đền An Sinh được tổ chức vào ngày 20/8 Âm lịch, là ngày khánh thành đền, cũng là ngày giỗ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội được thực hiện theo các nghi lễ truyền thống cổ xưa gồm lễ mộc dục, lễ cáo yết đền, cáo yết lăng mộ vua Trần, tổ chức khai mạc và lễ tạ. Ngoài các nghi lễ truyền thống ở trên, lễ hội tại đền còn rất nhiều các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian. Phần hội trong lễ hội này đã thu hút sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của du khách, khiến cho lễ hội sôi động, vui tươi hơn.

Lễ hội góp phần tạo dựng không gian văn hóa trang trọng, linh thiêng để mọi người cùng trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn của người đi trước và tìm hiểu thêm về giá trị lịch sử văn hóa của đền.

Xếp hạng

Vào ngày 28/4/1962, đền An Sinh được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Văn khấn Đền An Sinh

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

  • Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
  • Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
  • Con xin kính lạy ngài Kim Niên Đương cai Thái tuế chí đức Tôn thần.
  • Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng chư vị Đại Vương.

Hưởng tử con là…

Ngụ tại…

Hôm nay là ngày… tháng…năm.

Hương tử con đến nơi…….. thành tâm kính nghĩ: Đức Đại Vương nhận mệnh Thiên đình giáng lâm ở nước Việt Nam làm Bản cảnh Thành Hoàng chủ tể một phương bấy nay ban phúc lành che chở cho dân. Nay hương tử chúng con thành tâm dâng lên lễ bạc, hiến tế hương hoa, phẩm oản…

Cầu mong đức Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương chứng giảm, rủ lòng thương xót, phù hộ che chở cho chúng con sức khoẻ dồi dào, mọi sự tốt lành, lắm tài nhiều lộc, an khang thịnh vượng, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Nam mô a di Đà Phật!

Chú thích

[1] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,… Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội, 1993, tr. 274.

[2] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo Dục, 1998, tr. 302.

[3] Nay là TS Nguyễn Văn Anh, cán bộ giảng dạy tại bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, trường ĐH Khoa học xã hội Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

[4] Nguyễn Văn Anh, “Lăng Tư Phúc”, Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và đào tạo TP Đông Triều, Quảng Ninh, 20/1/2019.

[5] Nguyễn Văn Anh, Kiều Đinh Sơn “Hệ thống đền miếu nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập 60, số 11, tháng 11/2018, tr. 40 – 41.

Tham khảo

  1. Tố Anh – Thuỳ Anh, “Đền An Sinh, một bảo tàng gạch ngói cổ hiếm có ở Việt Nam” báo Xây dựng online, 2/2/2014.
  2. Nguyễn Văn Anh, “Lăng Tư Phúc”, Cổng thông tin điện tử ngành giáo dục và đào tạo TP Đông Triều, Quảng Ninh, 20/1/2019.
  3. Nguyễn Văn Anh, Kiều Đinh Sơn “Hệ thống đền miếu nhà Trần tại Đông Triều, Quảng Ninh”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tập 60, số 11, tháng 11/2018.
  4. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên,…(1993), Đại Việt sử ký toàn thư, bản in Nội các quan bản, mộc bản khắc năm Chính Hoà thứ 18 (1697), Nxb Khoa học xã hội.
  5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo Dục.
RELATED ARTICLES

Bài viết phổ biến