Cô Chín Sòng Sơn (Thiên Phủ) – Màu sắc đại diện: màu hồng.
Danh hiệu: Cô Chín – Cô Chín Sòng Sơn/ Cô Chín Đền Sòng – Cô Chín Giếng – Cô Chín Rồng – Cô Chín Suối – Cô Chín Tây Thiên – Cô Chín Thượng; Nguồn gốc: Tiên nữ trên thiên đình, con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế; Phủ/ nơi cai quản: Thiên Phủ; Hầu Cận: Mẫu Cửu Trùng Thiên, Mẫu Sòng Sơn, Chầu Chín Cửu Tỉnh; Lĩnh vực chính: Xem bói, Cho thuốc chữa bệnh, Tâu với Thiên đình về những kẻ phạm tội, thu giam hồn phách cho dở điên dở dại; Trang phục: Hồng.
Trong Tứ phủ Thánh Cô, Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô quyền uy với nhiều quyền phép thiêng biến hóa. Sự tích Cô Chín Sòng Sơn nổi tiếng khắp vùng xứ Thanh.
“Thanh Hoa sơn thuỷ hữu tình
Có Cô Chín Giếng anh linh khác thường
Sinh thời hầu cận Mẫu Vương
Dọn hàng quán mát âm dương núi Sòng”
“Nguyên xưa giá ngự đền Sòng
Quyền cai cửu tỉnh hầu trong bơ tòa
Cây sung cô lấy làm nhà
Cây doi làm cửa trông ra ngoài đền”

Thần tích Cô Chín Sòng Sơn
Hiện chưa thấy tài liệu nào nói về việc Cô Chín giáng sinh vào một nhân vật nào trên trần gian. Như vậy, thân thế của Cô nghiêng về phía thiên thần. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào. Một số địa phương đều thờ cô và tôn với các danh khác như Cô Chín Rồng, Cô Chín Suối nhưng chính đều là Cô Chín Sòng được thờ phụng. Cô Chín là Tiên Cô tài phép theo hầu Mẫu Liễu Hạnh, lại có tài xem bói, 1000 quẻ cô bói ra thì không sai một quẻ nào. Theo sự tích cô có phép thần thông quảng đại, ai mà phạm tội cô về tâu với Thiên Đình cho thu giam hồn phách, rồi cô hành cho dở điên dở dại. Khi cô dạo chơi bốn phương khắp ngả trời Nam, về đến đất Thanh Hóa thấy ở đây cảnh lạ vô biên, cô hài lòng liền hội họp thần nữ năm ba bạn cát, lấy gỗ cây sung làm nhà, còn cây si thì cô mắc võng, nhân dân cầu đảo linh ứng liền lập đền thờ cô.
Có truyền thuyết nói rằng Cô Chín là con gái thứ 9 của Ngọc hoàng Thượng đế. Cô Chín là một tiên cô giáng trần, trước cô bản nước ở cổng đền Ba Dội, từng theo hầu mẫu Sòng. Ban đầu những kẻ người trần mắt thịt không tin, nghĩ cô là yêu quái nên quở trách, đánh đuổi và tìm mọi cách diệt trừ. Vì tức giận nên cô đã về tâu với thiên đình cho thu giam hồn phách rồi hành cho dở dại dở điên, không những vậy, cô “làm cho trăm trứng hiểm nghèo, khi lội dưới suối khi trèo lên cây”. Với phép thần thông quảng đại lại có biệt tài xem bói nghìn quẻ, trong những năm chinh chiến loạn lạc, cô đã phò vua giúp nước bằng cách tiên đoán trận mạc, nhờ đó trăm trận trăm thắng.
Khi thanh nhàn cô lại dạo chơi khắp vùng trời Nam, đất Việt, thấy xứ Thanh cảnh lạ đẹp vô biên, cô liền cho hội họp thần nữ năm ba vạn cát, lấy gỗ sung làm nhà còn cây si thì cô mắc võng. Nhân dân cầu đảo thấy linh ứng bèn lập đền thờ cô ngay tại đất này.
Hiện vẫn còn lưu truyền câu chuyện về sự linh thiêng về cô mà người ta vẫn còn truyền kể. Chuyện vào những năm 70 của thế kỷ XX, khi chính quyền đã phá đền để thực hiện công cuộc bài trừ mê tín dị đoan của nhà nước. Ông chủ nhiệm hợp tác xã chỉ huy trực tiếp cuộc phá dỡ. Ông còn lớn tiếng tuyên bố: “Nhiều người bảo đền cô linh thiêng, tôi phá xem có còn linh thiêng hay không”. Nhưng sau đó gia đình ông luôn gặp những điều không may. Vợ con ông chết gần hết, chỉ còn một cậu con trai, nhưng lơ ngơ, lang thang và nay lưu lạc nơi đâu không biết.
Một số danh hiệu khác của Cô Chín Sòng Sơn
Cô Chín linh thiêng cứu người, giúp đời nên người dân ở khắp muôn nơi phụng thờ. Theo đó, tại mỗi nơi thờ phụng cô, người ta lại kính nể gọi cô bằng cái tên khác nhau. Những tên gọi như Cô Chín Suối Rồng tại Hải Phòng, Cô Chín Thượng Thiên tại Bắc Giang đều là cách gọi khác của Cô Chín Sòng. Tại những đền phủ này, người ta đều áp dụng hình thức thờ vọng cô, mong cầu cô ban phước lành, bình an tới cho muôn dân. Cho đến nay, một số danh hiệu về cô Chín được người dân thường gọi như:
- Cô Chín
- Cô Chín Sòng Sơn
- Cô Chín Đền Sòng
- Cô Chín Giếng
- Cô Chín Rồng
- Cô Chín Suối
- Cô Chín Tây Thiên
- Cô Chín Thượng
Đền thờ Cô Chín Sòng Sơn
Đền Cô Chín Sòng Sơn là nơi thờ chính của Cô Chín Sòng Sơn và Mẫu Cửu, Chầu Cửu. Do danh tiếng của Cô Chín Sòng Sơn quá lớn nên đôi khi chúng ta chỉ nghĩ rằng đây là nơi thờ chính của riêng Cô Chín. Hiện nay, trong cung cấm là nơi thờ Mẫu Cửu có phối thờ thêm Tam Tòa Thánh Mẫu. Còn Chầu Cửu có một cung riêng ở bên tay trái của cung Cô Chín. Vì vậy, về Đền nơi đây sau khi lễ Cô Chín, chúng ta nên lễ Chầu Cửu và Mẫu Cửu.

Đền Chín Giếng (hay còn gọi đền Cô Chín) cách đền Sòng Sơn khoảng 2 km, nổi tiếng linh thiêng nhất nhì xứ Thanh, trước thuộc địa phận phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Tên của ngôi đền bắt nguồn từ 9 miệng giếng thiêng quanh năm đùn nước không bao giờ cạn dưới mặt dòng suối tự nhiên chảy qua đền Sòng và đền Chín Giếng. Nếu từ Hà Nội về Thanh Hóa thì Đền Mẫu Sòng Sơn nằm ở bên phải đường thì đền Cô Chín Sòng Sơn nằm bên trái. Hai đền chỉ cách nhau khoảng 1km. Phong cảnh suối thiêng hữu tình chẳng khác nào tranh vẽ. Xung quanh suối là những miệng giếng trong xanh, sâu thăm thẳm đun nước lên thành từng nhịp. Đền Cô Chín được khởi công cùng đền Sòng dưới thời Cảnh Hưng triều Vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) và chính thức tu sửa vào năm 1939. Năm 1993 đền được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.


Tại Hà Nội cũng có một số đền thờ Vọng Cô Chín có thể kể đến như:
- Đền Kim Giang (Số 122 Kim Giang, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Hà Nội)
- Đền Mẫu Sòng Sơn (Số 35 Tôn Đức Thắng, Phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Hà Nội)
- Miếu Cô Chín Giếng (Số 86 Hào Nam, Phường Chợ Dừa, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
- Miếu Cô Chín (Ngõ Lan Bá, Phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội)
- Miếu thờ Cô Chín – Gia Quất (Số 32 Ngõ 29 Thượng Thanh, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội)

Nguồn gốc chín giếng thiêng
Sự tích này là một câu chuyện được truyền miệng từ người dân trong vùng với nhau. Người ta kể rằng năm hạn hán ấy, nước sinh hoạt trở nên khan hiếm, người dân trong vùng đã phải đi tìm nguồn nước đào giếng. Họ đã tìm đến đền suối Sòng khoan giếng. Kiên trì đào liên tục tới 8 miệng giếng nhưng vẫn không thấy giọt nước nào. Tuy nhiên, khi đặt mũi khoan tới miệng giếng thứ chín được 8 – 9m thì bất ngờ xuất hiện mạch nước lớn đùn lên ào ào. Nhờ đó mà cả làng có nước ngọt sinh hoạt.
Đến nay, 9 miệng giếng này vẫn còn tồn tại tuy nhiên người ta đã lấp bớt một số giếng để đảm bảo an toàn cho người dân bởi nơi đây đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thương tâm. Tuy nhiên, miệng giếng thứ 9 vẫn còn đó. Đây là miệng giếng sâu nhất với nguồn nước dồi dào và trong vắt. Đã từng có đoàn khảo sát từ Hà Nội về để đo đạc, khảo sát độ sâu của miệng giếng này nhưng cũng không thể thu được kết quả chính xác. Bởi càng xuống sâu nước càng lạnh, ánh sáng càng yếu khiến công cuộc điều tra càng trở nên khó khăn hơn. Dù vậy, những chuyên gia cũng đưa ra dự đoán rằng có lẽ nguồn nước dồi dào từ miệng giếng thứ 9 được cung cấp bởi dòng sông ngầm chảy từ dãy núi Tam Điệp, Ninh Bình ra cửa biển Thần Phù, Nga Sơn, Thanh Hóa.

Khánh tiệc Cô Chín Sòng Sơn
Ngày mùng 09 tháng 09 âm lịch là ngày tiệc Mẫu Cửu và cũng là chính tiệc Cô Chín.
Hầu giá Cô Chín Sòng Sơn
Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô có nhiều quyền phép. Những người có căn Cô Chín thường có khả năng xem bói, chữa bệnh và gọi hồn. Tuy nhiên, trong khi giáng hầu Cô Chín chỉ hay cho thuốc chữa bênh.
Cô Chín rất hay ngự đồng. Hết các thanh đồng khi Hầu Thánh đều có hầu giá Cô Chín. Khi giáng hầu Cô Chín thường mặc áo hồng phơn phớt màu đào phai và cô múa quạt tiến Mẫu. Đôi khi Cô cũng múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa, rồi lại múa cánh tiên. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào.
Bản văn Cô Chín Sòng Sơn
Văn Cô Chín Sòng Sơn được sử dụng trong lời hát văn Cô Chín:
Nguyên xưa giá ngự đền Sòng
Quyền cai cửu tỉnh hầu trong bơ tòa
Cây sung cô lấy làm nhà
Cây doi làm cửa trông ra ngoài đền
Thanh Hoa cảnh lạ vô biên
Đời vua Minh Mệnh lập đền thờ ngay
Mẫu thời ngự chín tầng mây
Cô nay mắc võng ngự rầy cây sung
Âm dưong có mạch giao thông
Chín mươi chín giếng công đồng chảy ra
Đền thờ đừong cái vô qua
Lối vào Thanh Hóa lối ra Ninh Bình
Đồi ngang sơn thủy hữu tình
Đôi bên Long hổ đua tranh chầu vào
Vốn xưa cô ngự Thiên Tào
Bởi sa chén ngọc cung cao đế đình
Cho nên cô mới giáng sinh
Tuổi vừa tám chín gia hình còn thơ
Trần gian uốn lữoi đong đưa
Ai mà không biết tình cô khó chiều
Có khi cô ngự cây kiêu
Ai đi đến đấy ra điều đơn sai
Cô về tâu mẫu thiên đài
Thu giam hồn phách bỏ ngoài giang tân
Làm cho mê mẩn tâm thần
Làm cho chuyển động tấm thân mơ màng
Biết ra phải đến kêu van
Cô tha thời được bình an lại lành
Tiên cô có phép tàng hình
Sai năm quan tướng lôi đình ở trong
Phép cô lục trí thần thông
Cô ảnh đầu đồng xem bói được minh
Ai mà lễ bái tâm thành
Việc gì cô cũng chứng minh phán truyền
Dù ai tiến cúng về đền
Mùi hương thấu đến tự nhiên cô về
Hương xông thơm ngát bốn bề
Ngự đồng truyền phán việc gì chẳng sai
Ai mà xem bói cầu tài
Cùng trong gia sự chẳng sai chút nào
Âm dương phần mộ thấp cao
Cô nay soi xét việc nào chẳng sai
Phép cô linh ứng đại tài
Tam tòa lục bộ khâm sai động đình
Dù ai đổi số nhân sinh
Tuy rằng chữ thập cải hình chữ thiên
Phúc cho vô lượng vô biên
Sai năm quan tướng về miền cây thông
Có khi cô hiện thung dung
Dạo chơi khắp hết đàng trong đàng ngoài
Khi cô ngự cảnh bồng lai
Giả người thục nữ trêu người tình nhân
Cát đằng duyên hợp tấn tần
Dong chơi khắp hết hải thần ngao du
Khi về cực lạc tây cù
Phủ Nghĩa cho đến Đông phù giáp ba
Phủ Giầy chốn ấy bao xa
Lên tâu xuống rộng vào ra vẹn mười
Có khi biến hiện ra người
Thảnh thơi cô lại ngự đồi cây thông
Đàng ngoài cho chí đàng trong
Ai mà biết đến cô Sòng độ cho
Làm tôi đệ tử thánh cô
Dâng văn sự tích thỉnh cô giúp đền.
Bản văn Cô Chín Sòng Sơn múa quạt
Quạt tầu ba sáu nan xương
Cô cầm tới quạt cô thương thanh đồng
Quạt xanh quạt trắng quạt hồng
Quạt trắng dưới thoải quạt hồng trên thiên
Đôi tay múa lượn cánh tiên
Lầu lầu thu nguyệt thượng thiên trên trời
Cánh tiên bay bổng tuyệt vời
Nhác trông tựa thể giáng người tiên nga
Quạt cho gió lộng sơn hà
Quạt cho nam nữ trẻ già vui tươi
Quạt cho chim hót hoa cười
Quạt cho mát rượi lòng người thế gian
Quạt cho sóng lặng bể an
Trăng sao sáng tỏ xua tan mây mờ
Trần gian căn số phải thờ
Chưa ra hầu hạ còn cơ còn đầy
Tưởng rằng thẹn gió e mây
Ai ngờ phút nhớ phút khuây chẳng ngờ
Khi vui múa quạt múa cờ
Múa quạt tiến mẫu múa cờ tiến vua.
Bản văn Cô Chín dệt gấm thêu hoa
Đền thờ khung cửi bằng vàng
Thoi ngà nạm ngọc thừa nhàn thêu hoa
Về đồng xe chỉ luồn sa
Chỉ thêu ánh tuyết kim sa ánh vàng
Mũi kim (thêu) đưa xuống nhẹ nhàng
Đưa lên khéo léo đảm đang thay là
Cô thêu thỏ lặn ác tà
Thêu non thêu nước thêu hoa thêu người
Tiều phu kiếm củi trên đồi
Sóng cồn mặt nước cá bơi giữa dòng
Cô thêu mấy áng mây hồng
Thêu nàng chức nữ ngự cung Quảng Hàn
Tay tiên dệt lụa thêu loan
Cát hồng tiên nữ tòa vàng vua cha.